Sản phẩm nguyên liệu Na rừng

  1. Vị trí phân loại

Cây Na rừng (Kadsura coccinea (Lem.) Smith) hay còn gọi là Dây chua cùm, Đại toản, Nắm cơm, Pản mạ (Tày), Na leo… là một loài thực vật thuộc chi Kadsura Juss.  Theo hệ thống phân loại của tác giả A. Takhtajan 2009, chi Kadsura Juss. thuộc Giới Thực vật bậc cao (Plantae), Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta), Lớp Ngọc lan (Magnoliopsida), Phân lớp Ngọc lan (Magnoliidae), Bộ Hồi (Illiciales) và Họ Ngũ vị tử (Schisandraceae).

  1. Đặc điểm thực vật

Dây leo, thân cứng, hóa gỗ màu nâu đen. Cành nhẵn, lá mọc so le, phiến dày, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 10-12 cm, rộng 4-5 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, có nhiều chấm trắng nhỏ.

Hoa khác gốc, mọc đơn độc ở kẽ lá; lá bắc dễ rụng; bao hoa gồm những phiến mập hình trứng, xếp thành 2-3 vòng; càng vào trong, phiến càng lớn hơn, màu trắng, điểm vàng nâu ở đầu phiến; hoa đực có nhiều nhị mọc trên một cán ngắn; hoa cái có các lá noãn xếp rất sít nhau [1].

Quả to, hình cầu, rất giống quả na, nhiều múi, khi chín màu vàng, ăn được.

Mùa hoa: Tháng 5-6; Mùa quả: Tháng 8 – 9.

  1. Phân bố, sinh thái

Trên thế giới, cây phân bố ở một số khu vực núi cao trong vùng có khí hậu nhiệt đới hay á nhiệt đới của Ấn Độ (cận Hymalaia, Assam, Tây Malala), Lào và Trung Quốc.

Tại Việt Nam, loài Na rừng phân bố rải rác ở các vùng núi từ 600 m đến 1500 m, ở các tỉnh Thanh Hóa (Thường Xuân),  Lào Cai (Sapa), Hà Tây (núi Ba Vì), Cao Bằng, Lạng Sơn… Ở phía Nam, loài này mới được phát hiện ở Lâm Đồng (Bảo Lộc).

  1. Thành phần hóa học

Lignan và các dẫn xuất của nó từ là một trong những thành phần chính của loài K. coccinea. Đến nay, đã có khoảng 91 hợp chất lignan đã được phân lập từ Na rừng và được phân thành 4 nhóm theo từng khung khác nhau, bao gồm: dibenzocyclooctadien, spirobenzofuranoid dibenzocyclooctadien, diarylbutan và aryltetralin lignan. Các hợp chất này khác nhau ở các nhóm thế trên khung lignan. Nhóm methoxy và hydroxyl là các nhóm thế hay gặp nhất, thường gắn ở các vị trí C-1, C-2, C-3 và C-13, ngoài ra còn có các nhóm thế acetyl, angeloyl, tigoyl, propanoyl, benzoyl, cinnamoyl và butyryl, các nhóm này thường gắn ở các vị trí C-6 và C-9. Cấu trúc khung lignan của các hợp chất phân lập từ na rừng.

Ngoài lignan, triterpenoid cũng là thành phần chính của loài K. coccinea với khoảng 111 hợp chất được báo cáo. Nhiều triterpenoid quan trọng lần đầu tiên được báo cáo từ loài với các triterpenoid bị hydroxy hóa có bộ khung khác nhau. Trong những năm gần đây, một loạt các nortriterpenoid và kadlongilacton có cấu trúc mới cũng đã được phân lập và xác định từ loài cây này. Các triterpenoid được báo cáo chủ yếu thuộc các loại lanostan, seco-lanostan, cycloartan và seco-cycloartan. Cấu trúc khung triterpen của một số triterpenoid phân lập được từ na rừng.

Ngoài lignan và triterpenoid, na rừng còn chứa các hợp chất phenolic, flavonoid và anthocyanin.

  1. Tính vị, công năng

Thân dây Na rừng có vị đắng, cay, tính ôn, có tác dụng khư phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết.

Quả Na rừng có vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng ninh tâm, bổ thận, chỉ khái, khư đàm.

  1. Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, Na rừng được dùng để làm thuốc bổ, hoạt huyết, giảm đau, kích thích tiêu hóa. Ngày dùng 8 – 16 g vỏ rễ hay vỏ thân tán nhỏ, ngâm rượu uống, chia làm 2 lần trong ngày. Quả khi chín ăn được. Hạt Na rừng đôi khi được dùng thay thế ngũ vị tử bắc.

Ở Trung Quốc, thân và rễ cây Na rừng được dùng chữa phong thấp tê đau, viêm loét dạ dày – tá tràng, đau bụng kinh, đau bụng sau khi đẻ. Quả Na rừng chữa thận hư đau lưng, ho, viêm họng viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Dùng hàng ngày 6 – 9 g sắc nước uống.

  1. Thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP

a) Cần thu hoạch dược liệu đúng thời vụ hay khoảng thời gian tối ưu để đảm bảo sản xuất dược liệu với mức chất lượng tốt nhất có thể. Thời điểm thu hoạch phụ thuộc vào bộ phận dùng của cây dược liệu;

b) Thời điểm tốt nhất cho thu hoạch (mùa vụ/thời điểm trong ngày đạt đỉnh chất lượng) cần được xác định theo chất lượng và hàm lượng hoạt chất có tác dụng sinh học;

c) Trong khi thu hoạch phải cẩn thận để bảo đảm không có tạp chất, cỏ dại hoặc những loại cây có độc xen lẫn vào các dược liệu đã thu hoạch;

d) Nên thu hoạch dược liệu trong những điều kiện tốt nhất, tránh sương, mưa hoặc ẩm quá cao. Nếu thu hoạch trong điều kiện ẩm ướt thì dược liệu đã thu hoạch cần được vận chuyển ngay đến một cơ sở sơ chế để tiến hành sấy khô nhằm ngăn ngừa sự lên men của vi sinh vật và sự phát triển của nấm mốc;

e) Các thiết bị thu hoạch và các loại máy liên quan khác cần được giữ sạch và điều chỉnh để giảm sự thiệt hại về năng suất và ô nhiễm do đất và các loại vật liệu khác. Cần giữ các máy móc, thiết bị này ở nơi không bị ô nhiễm và khô ráo, không có côn trùng, loài gặm nhấm, chim và các loài gây hại khác, tránh khu vực có thú nuôi và gia súc;

g) Hạn chế tối đa việc để dược liệu thu hoạch tiếp xúc với đất nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm khuẩn trong các dược liệu đã thu hái (có thể dùng các tấm trải rộng bằng vải bạt hoặc nilon để lót giữa dược liệu đã thu hoạch và đất). Nếu dược liệu thu hoạch là các bộ phận dưới mặt đất (như rễ), thì phải loại bỏ mọi đất cát bám vào dược liệu ngay khi thu hoạch. Dược liệu đã thu hoạch phải được vận chuyển ngay trong điều kiện sạch và khô. Có thể đặt dược liệu trong các giỏ sạch, bao khô, xe moóc hoặc các đồ đựng thông thoáng khác đưa đến một điểm tập trung để dễ vận chuyển đến cơ sở chế biến;

h) Mọi đồ đựng dùng trong thu hoạch phải được giữ sạch, không bị nhiễm tạp chất hay các dược liệu đã thu hoạch trước. Nếu dùng đồ đựng bằng nhựa thì phải đặc biệt chú ý không để hơi ẩm tồn đọng để tránh nấm mốc phát triển. Phải giữ các đồ đựng này trong điều kiện khô ráo, ở nơi được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của các loại côn trùng, loài gặm nhấm, chim và các loài gây hại khác, cũng như thú nuôi và gia súc;

i) Nên tránh mọi sự hư hại cơ học hoặc nén chặt dược liệu. Các loại dược liệu bị phân hủy cần phải được đánh dấu và loại bỏ trong khi thu hoạch, kiểm tra sau thu hoạch và chế biến, để tránh ô nhiễm vi khuẩn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

8. Sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển dược liệu sau khi thu hoạch theo tiêu chuẩn GACP

Kiểm tra và phân loại dược liệu

Dược liệu cần được kiểm tra và phân loại trước khi sơ chế. Công tác kiểm tra có thể bao gồm:

  1. a) Kiểm tra bằng cảm quan để loại tạp chất.
  2. b) Đánh giá theo cảm quan về mức độ hư hỏng, kích cỡ, màu sắc, mùi, vị khả dĩ có.

Sơ chế

  1. a) Các dược liệu được thu hoạch hay khai thác cần được bốc dỡ hoặc tháo ra khỏi bao bì ngay khi đến cơ sở chế biến. Trước khi chế biến, cần phải bảo vệ dược liệu khỏi bị ảnh hưởng của mưa, hơi ẩm và bất cứ điều kiện nào có thể làm giảm phẩm chất của chúng. Chỉ đem phơi dược liệu trực tiếp dưới ánh nắng khi nào có yêu cầu cụ thể phải làm theo phương pháp này.
  2. b) Các loại dược liệu phải tưới nước thì cần được thu hái và vận chuyển càng nhanh càng tốt đến cơ sở chế biến để ngăn sự lên men do vi khuẩn (có thể bảo quản trong điều kiện đông lạnh, trong bình, lọ, hộp cát, hoặc bảo quản bằng enzyme hay những biện pháp bảo quản thích hợp khác). Nên vận chuyển ngay đến người sử dụng. Cần tránh dùng chất bảo quản. Nếu có dùng các chất bảo quản thì phải theo đúng các quy định hiện hành.
  3. c) Các loại dược liệu phải sử dụng tươi thì cần được giữ đông lạnh, trong bình, lọ, hộp cát, hoặc bảo quản bằng enzyme hay những hiện pháp bảo quản thích hợp khác và vận chuyển đến người sử dụng cuối cùng càng nhanh càng tốt. Cần tránh dùng chất bảo quản. Nếu có dùng các chất bảo quản thì phải theo đúng các quy định hiện hành.
  4. d) Tất cả các dược liệu đã sơ chế cần được bảo vệ khỏi bị nhiễm bẩn và phân hủy, tránh để côn trùng, loài gặm nhấm, chim và các loại có hại khác hay thú nuôi và gia súc làm hư hỏng.

Làm khô

  1. a) Khi dược liệu đã sơ chế để sử dụng ở dạng khô, thì cần phải đạt tiêu chuẩn độ ẩm theo quy định.
  2. b) Có thể làm khô dược liệu bằng một số cách: âm can (phơi gió ở chỗ trống và râm, tránh nắng); rải lớp mỏng trên khung phơi, trong phòng hay nhà có lưới chắn; phơi nắng trực tiếp, nếu thích hợp; sấy trong lò/phòng và máy sấy dùng năng lượng mặt trời; sấy bằng lửa gián tiếp; nướng; đông khô; sấy bằng lò vi sóng; hoặc thiết bị sấy hồng ngoại.
  3. c) Cần khống chế nhiệt độ trong quá trình làm khô để tránh làm hỏng các hợp phần có hoạt tính hóa học. Lưu hồ sơ về phương pháp và điều kiện làm khô.
  4. d) Nên tránh phơi dược liệu trực tiếp trên nền đất không che phủ. Nếu dùng một bề mặt bê tông hay xi măng để phơi thì phải đặt dược liệu trên một tấm vải nhựa hoặc một loại vải hay tấm trải khác thích hợp. Các khu vực phơi dược liệu cần cách xa các loài côn trùng, loài gặm nhấm, chim và những loài có hại khác cũng như thú nuôi và gia súc.

đ) Nếu sấy khô trong nhà thì cần xác định thời gian, nhiệt độ sấy, độ ẩm và các điều kiện khác căn cứ theo từng bộ phận sử dụng (như lá, rễ, thân, vỏ, hoa…) và các hoạt chất dễ bay hơi, như tinh dầu.

  1. e) Có thể áp dụng các phương pháp như: lột bỏ vỏ của rễ và căn hành, luộc, hấp, tẩm, ngâm giấm, chưng cất, xông hơi, sao, cho lên men tự nhiên, xử lý bằng vôi và thái thành miếng nhỏ, xử lý kháng khuẩn bằng chiếu xạ để bảo quản dược liệu.

Đóng gói và dán nhãn hàng chờ đóng gói

  1. a) Phải có các biện pháp để đảm bảo việc đóng gói được thực hiện nhanh chóng và giảm thiểu nguy cơ nhiễm chéo hay nhầm lẫn hoặc thay thế đối với các hoạt động dán nhãn và đóng gói. Phải có phân cách cơ học để phòng tránh sự nhầm lẫn của sản phẩm và bao bì đóng gói khi thực hiện việc đóng gói các sản phẩm khác nhau trong khu vực đóng gói. Tên sản phẩm và số lô phải hiển thị ở khu vực đang thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm.
  2. b) Phải vệ sinh sạch sẽ dây chuyền trước khi thực hiện hoạt động đóng gói để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm, vật liệu, tài liệu sử dụng trước đó không cần thiết cho các hoạt động hiện tại còn sót lại trên dây chuyền.
  3. c) Các mẫu nhãn và mẫu của bao bì đã được in ấn phải được lưu trong hồ sơ lô. Có các khu vực biệt trữ riêng biệt và an toàn cho các thành phẩm chờ cho phép xuất xưởng. Hoạt động in (ví dụ đối với số lô, hạn dùng) phải được thực hiện độc lập hoặc trong quá trình đóng gói và phải được kiểm tra và ghi lại. Việc in ấn bằng tay phải được kiểm tra lại đều đặn.

đ) Các sản phẩm và vật liệu đóng gói được sử dụng phải được kiểm tra khi giao hàng cho các bộ phận đóng gói đảm bảo về số lượng và đúng chủng loại.

  1. e) Các thông tin được in ấn và dập nổi trên bao bì phải dễ dàng nhận thấy và có khả năng chống phai màu hoặc tẩy xóa.
  2. g) Phải kiểm soát trong quá trình để đảm bảo người đọc mã số điện tử, đếm nhãn hoặc thiết bị tương tự đang hoạt động một cách chính xác. Cần kiểm soát chặt chẽ đối với việc sử dụng nhãn cắt và khi thực hiện việc in ấn bao bì ở ngoài. Việc sử dụng nhãn cuốn sẽ hạn chế sự nhầm lẫn hơn nhãn cắt.
  3. h) Việc kiểm soát trong quá trình đóng gói tối thiểu phải bao gồm; hình thức của bao bì; bao bì đã sử dụng đúng với sản phẩm; độ chính xác của việc in ấn; hoạt động chuẩn xác của dây chuyền.
  4. i) Mẫu được lấy ra khỏi dây chuyền đóng gói không nên trả lại. Các mẫu sản phẩm có bất thường chỉ được đưa lại vào dây chuyền sản xuất sau khi được kiểm tra, xem xét và phê duyệt bởi người có thẩm quyền.
  5. k) Bất kỳ sự khác biệt đáng kể hoặc bất thường trong quá trình đối chiếu sản phẩm trung gian và nguyên liệu bao bì in ấn và số lượng đơn vị sản xuất cần được điều tra và được giải thích một cách thích đáng trước khi xuất xưởng.
  6. l) Phải thiết lập quy trình hủy bỏ hoặc trả lại kho đối với các bao bì đã in sẵn hoặc đã mã hóa số lô. Việc tiêu hủy hoặc trả lại phải được ghi lại.

 Bảo quản và vận chuyển

  1. a) Phải xây dựng các quy trình cho việc bảo quản thành phẩm xuất xưởng. Phải có các hồ sơ cho phép xác định nhanh tất cả các khách hàng đã mua thành phẩm của một lô/mẻ xác định trong đó chỉ rõ thời gian xuất, số lượng, quy cách đóng gói và gửi hàng của từng lô sản phẩm cho khách hàng.
  2. b) Cần lưu trữ các ghi chép về thời gian bảo quản, nhiệt độ và các điều kiện bảo quản khác trước khi phân phối.
  3. c) Phương tiện vận chuyển để vận chuyển nguyên liệu dược liệu chờ đóng gói từ nơi sản xuất đến bảo quản để chế biến phải làm sạch giữa hai lần bốc dỡ/vận chuyển hàng chờ đóng gói như tàu hay xe điện, phải được làm sạch, và khi thích hợp được thông gió tốt để làm mất hơi ẩm ở nguyên liệu dược liệu và để ngăn ngừa sự ngưng tụ nước.
  4. d) Nguyên liệu dược liệu trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ phải được bảo quản và vận chuyển riêng biệt hay cách bảo đảm sự nguyên vẹn của chúng.

đ) Chỉ được phép xông thuốc chống dịch bệnh khi cần thiết và giới hạn theo quy định hiện hành.

Bảo đảm chất lượng.

Phải xây dựng quy trình bảo đảm chất lượng và người phụ trách chuyên môn phải kiểm soát thường xuyên chất lượng tại địa điểm trồng trọt.

Như vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật và xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản dược liệu Na rừng thực hiện theo hướng GACP-WHO.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *